Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

Việt Nam lập rào chắn chống cúm lợn !




Đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc cúm A (H1N1) nào, nhưng mọi phương án đối phó với virus nguy hiểm này đang được đặt ra. Sáng 27/4, Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã có cuộc họp khẩn về tình hình cúm lợn.

Cúm lợn nguy hiểm hơn SARS

Tại cuộc họp, các chuyên gia khẳng định, thịt lợn và các sản phẩm từ lợn nấu chín là an toàn. Cúm A (H1N1) là một bệnh hô hấp cấp tính nguồn gốc ở lợn, nhưng trong đợt cúm mới này, chưa tìm thấy trường hợp người mắc bệnh do ăn thịt lợn nấu chín. Người bệnh bị mắc cúm H1N1 chủng hoàn toàn mới, tổng hợp giữa cúm lợn Bắc Mỹ, cúm lợn Á Âu, cúm gia cầm và cúm người.

Do đó, tuy có tên là cúm lợn, nhưng có thể nói bản chất đợt cúm này là cúm lây từ người sang người. WHO sẽ có thông báo sớm với Cục nếu có diễn biến lây nhiễm mới để thông tin cho người dân.

Theo cảnh báo của WHO thì virus cúm H1N1 đang gây dịch tại Mexico và Mỹ được truyền từ lợn sang, sau đó có khả năng lan nhanh từ người sang người, gần như chính là chủng được xác định từ những năm 1917 - 1918.

Đặc điểm của virus này là có khả năng lây lan rất nhanh, hơn cả SARS, song độc lực có biến đổi hay không thì các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu, sẽ sớm cho kết quả.

Đối với dịch bệnh đang hoành hành ở Mexico và Mỹ, sự nguy hiểm ở chỗ, qua điều tra dịch tễ, các chuyên gia đã xác định có hiện tượng lây truyền từ người sang người.

Người mắc bệnh nếu ở thể lâm sàng nhẹ cũng gây suy giảm sức khoẻ, ở mức độ nặng gây viêm phổi nặng, suy hô hấp và tử vong. Đặc biệt, nếu virut cúm A (H1N1) kết hợp với một chủng cúm thông thường trên người sẽ tạo thành chủng virus đại dịch, dễ dàng lây lan từ người sang người và có thể gây nên một đại dịch trên toàn cầu.

Việt Nam không được chủ quan

Bộ Y tế chính thức xác nhận đến thời điểm này, Việt Nam chưa có ca H1N1 nào xuất hiện. Tuy nhiên, TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết thêm, khả năng virus này xâm nhập vào Việt Nam là có thể, vì nước ta có người di chuyển tới vùng có dịch và có người từ vùng dịch vào Việt Nam.

"Hiện chúng tôi đã có thông báo tới các bệnh viện theo dõi chặt các bệnh nhân có triệu chứng cúm như ho, sốt, đau đầu, viêm mũi, phổi… Đặc biệt lưu ý trường hợp có tiền sử đi tới vùng có dịch như Mỹ, Mexico… cách đây 2 tuần" - ông Nga nói.

Theo ông Nga, hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM có thể test nhanh chẩn đoán cúm A(H1N1), nhưng do chủng H1N1 đang gây dịch trên thế giới là hoàn toàn mới, nên nếu có mẫu bệnh phẩm nghi ngờ, Cục sẽ phải chuyển ra nước ngoài kiểm tra.

"Hiện WHO cho biết, việc điều trị cúm lợn bằng hai thuốc Tamiflu và Relenza vẫn phát huy hiệu quả tốt. WHO đang nghiên cứu và chưa đưa ra phác đồ điều trị mới" - TS Nga cho biết thêm.

Th.sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia khuyên: "Người mắc virus cúm A (H1N1) có biểu hiện không khác gì với cúm thường như sốt cao, sổ mũi, đau đầu, đau khắp mình mẩy, ho... Với những người khỏe mạnh, sau vài ba ngày sẽ tự khỏi, với những người có cơ địa yếu như người già, trẻ suy dinh dưỡng, bệnh nhân tiểu đường... sẽ bị nặng nhanh, gây biến chứng viêm phổi và bội nhiễm nhiều vi khuẩn khác. Người mắc cúm khi có các triệu chứng nặng nên vào viện để được hỗ trợ, đặc biệt là để được phân lập, xác định chủng virus cúm đang mắc phải".

Bộ Y tế Việt Nam đang có những động thái tích cực đối phó với dịch cúm lợn. Bộ này đề nghị các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, các cơ sở điều trị trên cả nước tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp xâm nhập, sẵn sàng các đội cơ động chống dịch, cấp cứu, trực 24/24 giờ, đặc biệt trong dịp lễ 30/4, 1/5 để đáp ứng kịp thời khi có tình huống.

Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt theo dõi những người bị sốt đến từ các nước đang có dịch. Các cơ sở điều trị phải sẵn sàng đủ cơ số thuốc, hoá chất, vật tư để thu dung, điều trị, cách ly khi có tình huống xảy ra.

Bộ Y tế cũng cảnh báo, hiện chưa có vắc-xin phòng dịch cúm lợn mới này nên tiêm phòng sẽ không hiệu quả. Người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, nhất là khi tiếp xúc với dịch tiết hầu, họng; người mắc bệnh đường hô hấp cấp tính nên tránh nơi đông người, đeo khẩu trang; người vừa đến vùng có dịch nếu có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và cách lý nếu cần; bất kì ai có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính hoặc các chùm ca bệnh bất thường cần thông báo ngay cho y tế địa phương.

WHO: Việt Nam đã sẵn sàng ứng phó!

Chiều 27/4,
bà Shelaye Boothey, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay, dịch cúm lợn đang tiến triển nhanh và có thể sẽ có thêm nhiều ca bệnh được báo cáo từ các khu vực khác trên toàn thế giới.

Thông tin phát đi từ văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, một vụ bùng phát dịch cúm lợn ở người đang xảy ra tại Mexico và Mỹ. Chủng vi rút cúm lợn A/H1N1 đặc biệt này chưa từng được phát hiện ở lợn hoặc ở người trước đây. Vì thế đây là một chủng vi rút mới và đặc biệt hơn nữa là đã xảy ra tình trạng lây nhiễm từ người sang người.

Phát ngôn viên WHO cho hay vì lý do đó, loại vi rút mới này có khả năng gây nên đại dịch. Tuy nhiên, dựa trên những chứng cứ lâm sàng, dịch tễ và phòng thí nghiệm hiện có, WHO chưa biết liệu vi rút này sẽ gây ra đại dịch hay không. Hơn nữa, khó có thể dự báo được đặc tính của bệnh do nhiễm vi rút này sẽ như thế nào.

WHO yêu cầu tất cả các quốc gia tăng cường giám sát sự bùng phát bất thường các vụ dịch dạng cúm và viêm phổi nặng. Tuy nhiên, WHO cho rằng Bộ Y tế Việt Nam đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu này.

"Mặc dù chưa có trường hợp mắc cúm lợn nào được phát hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế đang tiến hành công tác chuẩn bị cho trường hợp xảy ra có ca mắc. Với những kinh nghiệm quý báu đã có trong quá trình ứng phó với cúm gia cầm và SARS, Việt Nam đã có sẵn qui chế về giám sát và phát hiện sớm", phát ngôn viên WHO nhấn mạnh.

Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân

1. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt khi tiếp xúc với dịch tiết hầu, họng.
2. Những người bị mắc bệnh đường hô hấp cấp tính, nên tránh nơi đông người và đeo khẩu trang.
3. Đối với những người cần thiết phải đến những vùng có dịch, tránh xa nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bệnh và luôn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân.
4. Những người đến Việt Nam từ vùng có dịch, trong vòng 7 ngày, nếu có biểu hiện như sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, rùng mình, và mệt mỏi, thì thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất về tình trạng bệnh và lịch trình đã đi, để được tư vấn, cách ly, điều trị và y tế triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống, không để lây lan ra cộng đồng.đã
5. Khi phát hiện có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính, đặc biệt các đối tượng về từ vùng có dịch trong vòng 7 ngày; các chùm ca bệnh bất thường, đề nghị thông báo ngay cho y tế địa phương, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để kịp thời phát hiện trường hợp đầu tiên, để bao vây dập dịch không để dịch lây lan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét